Trích Nhập đề
Mục đích khi tôi viết tác phẩm này là cho thấy Giêsu là ai, đưa vào cái tên kép của Ngài mà phân tích. Tôi mong muốn tác phẩm này không nặng nề như một tác phẩm nghiên cứu chuyên môn; tuy nhiên những ý tưởng căn bản của tác phẩm đều dựa trên những kết quả nghiên cứu nghiêm túc. Bởi đó, tôi sẽ không đưa vấn đề nền tảng Tân Ước để hiểu biết Đức Giêsu ra cứu xét trở lại mà chỉ ghi lại những kết quả nghiên cứu nào đối với tôi xem ra hợp lý nhất, như Günther Bornkamm đã nhận xét chí lý như sau:
“Trình bày lịch sử và sứ điệp của Đức Giêsu theo những tài liệu của chúng ta, bây giờ có ý nghĩa và thực hiện được nữa không? Chúng ta có cần phải… thử… phác hoạ chi tiết diễn tiến lịch sử và tâm lý của cuộc đời Đức Giêsu nữa không? Chắc chắn không. Tất cả mọi cố gắng trong lĩnh vực này đều đã rơi vào thất bại… Tuy nhiên, các sách Tin Mừng không cho phép chúng ta vì thế mà tỏ ra đành lòng cam chịu hay nghi ngờ sự hiểu biết của mình về Đức Giêsu. Trái lại, các sách Tin Mừng vẫn cho chúng ta thấy con người của Đức Giêsu trong lịch sử, dù không theo kiểu của các sách biên sử và các tập truyện ký. Một điều quá rõ là các sách Tin Mừng đã trình bày sứ điệp, các việc làm và cuộc đời Đức Giêsu với một giọng văn rất trung thực, tươi mát và đặc thù, đến nỗi cả khi có niềm tin vào Đức Giêsu sau Phục sinh, các soạn giả cũng không bớt đi giọng điệu ấy. Tất cả những chi tiết đó đã giúp chúng ta tìm tại con người của Đức Giêsu khi còn sống ở trần gian”.
Tôi xin nhường cho các nhà chú giải, tức những người giải thích Tân Ước một cách khoa học, công việc xác định đâu là cách thế đặc biệt đã được các soạn giả Tin Mừng dùng để trình bày con người lịch sử của Đức Giêsu. Tôi nhìn nhận uy tín của các tác phẩm vừa kể trên đây. Tôi sẽ không viết tiểu sử của Đức Giêsu, cũng không có ý phác hoạ tâm lý của vị sáng lập Kitô giáo. Nhà thần học là người chấp nhận một cách sáng suốt rằng Kinh Thánh được công bố trong Giáo hội là phương tiện truyền thông của Thiên Chúa, và ông sẽ lấy đó làm đối tượng để học hỏi, suy tư. Ông cũng không dựa vào nguồn tài liệu nào khác nhưng nguồn của nhà chú giải. Tuy nhiên, nhà thần học không đặt vấn đề như nhà chú giải. Nhà thần học đứng về phía những tín hữu đang sống Đức tin của mình trong một thế giới đầy nghi ngờ như thế giới của ngày hôm nay. Trước đây, tuyên xưng Đức Kitô là một chuyện rất tự nhiên đối với những người sinh ra trong một gia đình có đạo. Nhưng ngày nay, phong trào “Trở về với con người Giêsu”, một phong trào có đặc điểm là hay phản kháng mạnh, đã làm niềm tin của họ lung lay và bắt học đặt lại vấn đề chân tướng của con người mà các giáo hội vẫn tuyên bố là “Chúa”; thậm chí có nhiều tín hữu đã nghĩ rằng chân tướng của con người đó đã bị Giáo hội xuyên tạc và phản bội.
Vì thế, vấn đề mà cuốn sách này muốn đề cập tới là: tuyên xưng Đức Giêsu có phải là chối bỏ Đức Kitô như ngày xưa người ta quen hiểu như vậy không? Và tuyên xưng Đức Kitô có phải là bỏ quên Đức Giêsu, một hình ảnh rất nổi bật trong các tài liệu Tân Ước không? Theo tôi, Kitô học (trình bày về Đức Kitô) là nỗ lực suy tư về sự duy nhất giữa Đức Giêsu và Đức Kitô, dựa theo những vấn nạn đang đặt ra cho các tín hữu hiện nay. Muốn suy tư như vậy cần phải giữ một thái độ ngay thẳng đối với các tài liệu Tân Ước, đối với cách diễn tả cũng như sống Đức tin của các Kitô hữu trong lịch sử Giáo hội, và đối với những nghi vấn của con người hiện nay. Nói như thế là đã gián tiếp cho rằng cuộc thảo luận về vấn đề đó không thể nào kết thúc được: Mọi nỗ lực suy tư của Kitô học đều là những bước ướm thử, chỉ là những kết quả tạm thời thôi.
(Trích lời nhập đề, Giêsu, con người tự do)