Ngày 19 tháng 4 năm 2005, từ Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, thế giới được tin Giáo Hội Công Giáo đã có được một Tân Giáo Hoàng là vị Hồng Y Joseph Ratzinger. Việc bầu chọn này đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát đồng thời là một cú sốc cho chính đương sự. Đúng vậy, trách nhiệm dường như quá nặng nề: trở thành người kế vị thứ 264 của Thánh Phêrô, nối tiếp một vị tiền nhiệm khổng lồ.
Trong sứ điệp đầu tiên gởi đến toàn thể nhân loại, vị Tân Giáo Hoàng khiêm nhu tuyên bố rằng: “Kế nhiệm sau vị Giáo Hoàng vĩ đại là Gioan Phaolô II, các Hồng Y đã chọn tôi – một người làm công đơn sơ và khiêm nhu trong vườn nho của Thiên Chúa”. Vài năm sau đó, ngài đưa ra bình luận như sau: “ Việc còn lại đối với tôi, mà tôi tự nói là bên cạnh những vị Giáo Hoàng vĩ đại thì cũng đã có những vị Giáo Hoàng bé nhỏ cống hiến những khả năng mà họ có…”
Trong suy nghĩ thoáng qua người ta có thể nghĩ rằng, triều đại Giáo Hoàng này là một triều đại chuyển tiếp. Điều này đã không phải như vậy. Nhờ có được ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm gắn liền với sứ vụ này, đồng thời với tính cách đơn sơ đến kỳ diệu, sự độc lập, cuối cùng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã để lại một dấu ấn riêng và ấn tượng.
Trong suốt những năm ở cương vị Giáo Hoàng, Đức Biển Đức XVI đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng đau đớn của Giáo Hội: sự phản ứng mạnh mẽ sau khi ngài gỡ bỏ vạ tuyệt thông đối với các giám mục bảo thủ, cuộc vấp phạm của các linh mục mắc phải tội ấu dâm… Ngài đã đối mặt cách vững vàng, dù vẫn nhìn nhận có một số nhầm lẫn: khả năng quản lý hệ thống truyền thông không phải là điểm mạnh của ngài! Cho đến cùng, ngài đã sống trách nhiệm Giáo Hoàng của mình như một cuộc đấu tranh mà vũ khí duy nhất là sự đơn sơ, lòng khiêm nhu và nội tâm sâu sắc của ngài.
Vậy “Giáo Hoàng bé nhỏ” – Đức Biển Đức XVI – như chính ngài đã định nghĩa về mình, phải chăng là một sự hài hước? Dĩ nhiên ngài là một nhà trí thức hơn là một ngôn sứ, nhà sư phạm hơn là nhà cải cách. Một Giáo Hoàng
khiêm nhu, đúng là bản chất của ngài. Song “bé nhỏ”? Thì chắc chắn là không…